Giấm táo đã có từ lâu đời. Nó có nhiều tác dụng như các có thể uống 1 muỗng nhỏ vào buổi sáng giúp giảm cân hoặc dùng để chăm sóc da. Ngoài ra có thể thay thế giấm gạo để trộn gỏi...
Tác dụng của giấm táo có thể kể đến
Giấm táo tốt cho hệ miễn dịch
Như đã đề cập, trong giám táo chứa một hàm lượng axit malic đáng kể có tính kháng virus mạnh giúp tiêu diệt những vi khuẩn gây cảm cúm. Nếu dùng giấm táo nguyên chất đúng cách còn giúp làm giảm dịch nhầy đường hô hấp, cải thiện tình trạng nghẹt mũi và làm sạch các hạch bạch huyết.
Ổn định lượng đường trong máu
Những thực phẩm chứa nhiều tinh bột như gạo, mì ống, bánh mì sẽ làm tăng lượng đường huyết sau khi ăn. Do đó uống giấm táo chứa axit axetic sẽ giúp làm chậm quá trình hấp thu tinh bột, kiểm soát tốt lượng đường huyết sau khi bạn có một bữa ăn giàu tinh bột.
Khi dùng giấm trong bữa ăn, bạn nên cho giấm vào nước sốt hoặc món salad để dễ ăn hơn.
Ngăn ngừa bệnh về tim mạch
Giấm táo chứa một loại chất tên là axit chlorogenic giúp giảm hàm lượng cholesterol xấu trong máu, từ đó giảm thiểu nguy cơ bị bệnh tim. Khi dùng giấm táo chung với mật ong thì công dụng phòng ngừa bệnh lý tim mạch càng phát huy hiệu quả.
Hỗ trợ thải độc
Bên cạnh những tác dụng nêu trên, việc kết hợp uống mật ong và giấm táo vào mỗi buổi sáng còn có công dụng giải độc gan, thanh lọc cơ thể. Đặc biệt nhờ có các thành phần đường glucose và fructose trong mật ong, lá gan sẽ được làm mát và cải thiện chức năng một cách đáng kể, làn da trở nên căng mịn, tươi sáng hơn.
Giảm cân và cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa
Axit axetic có mặt trong giấm táo còn đóng vai trò cải thiện quá trình trao đổi chất diễn ra trong cơ thể, giảm tình trạng tích tụ chất béo, giảm cảm giác thèm ăn nên rất thích hợp cho người đang giảm cân.
Giấm táo được ứng dụng trong những trường hợp mắc hội chứng PCOS
Hội chứng PCOS là viết tắt của hội chứng buồng trứng đa nang, xảy ra do bất thường về nội tiết tố có liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt. Khi cơ thể tiết ra quá nhiều nội tiết tố androgen dẫn tới hiện tượng đa nang trong buồng trứng và kháng insulin ở phụ nữ.
Các chuyên gia y tế cho rằng nếu duy trì thói quen uống 15ml giấm táo cùng 100 - 150ml nước sau bữa tối hàng ngày sẽ giúp bệnh nhân cải thiện tốt hàm lượng hormone trong cơ thể và ổn định chu kỳ kinh nguyệt.
Cách làm giấm táo thường
Anh chị có thể chọn táo ta hoặc táo mèo. Tuy nhiên thì để có mùi vị thơm ngon hơn thì anh chị chọn táo mèo nhé. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể để làm hai loại dấm này.
Nguyên liệu làm giấm táo thường
- Táo thường: 1kg, bạn có thể chọn táo xanh hoặc táo đỏ tùy ý
- Giấm gạo: 1 chai 1 lít/ hoặc mật ong lên men
- Đường phèn: 1 chén con
- Hũ thủy tinh lớn để ủ giấm: 1 hũ, hoặc sử dụng nhiều hũ nhỏ hơn
Lưu ý khi mua táo làm giấm
Các bước làm giấm táo thường
Bước 1. Sơ chế táo.
Táo mua về bạn đem rửa thật sạch. Vì táo là loại trái cây thường bị phun thuốc nên bạn ngâm táo với nước muối loãng rồi rửa lại sạch sẽ trước khi sử dụng. Dùng dao sắc cắt táo thành những miếng nhỏ (không cần gọt vỏ), bạn có thể bỏ hạt hoặc không.
Bước 2. Xếp táo vào hũ thủy tinh.
Xếp táo vào hũ thủy tinh, cứ một lớp táo thì một lớp đường phèn, làm lần lượt cho đến khi hết táo. Lưu ý, bạn nên xếp táo khéo léo để tận dụng diện tích trong hũ, nếu xếp qua loa các miếng tạo sẽ rất lộn xộn, chiếm diện tích nhiều nhưng không chứa được bao nhiêu.
Lưu ý:
Hũ thủy tinh chuẩn bị phải đảm bảo đựng được hết số táo mà bạn muốn làm giấm, tránh tình trạng cố nén thật nhiều táo vào bình mà vẫn không hết.
Bước 3. Ngâm và lọc giấm táo.
Sau khi xếp táo và đường vào hũ thủy tinh, bạn đổ hết chai giấm gạo vào sao cho ngập táo. Lưu ý không nên đổ đầy, chỉ cần đổ ngập táo, lượng táo cũng không nên xếp đầy, chừa lại vài cm để khi lên men giấm sẽ sủi bọt.
Đậy kín nắp lại rồi ngâm táo trong khoảng 2 tuần, đặt hũ táo ở nơi khô ráo, thoáng mát. Trong khi ngâm, thi thoảng bạn mở nắp ra vì quá trình lên men sẽ khiến hũ giấm có hơi men, mở nắp ra để cho hơi men này bay bớt rồi đậy nắp lại ngâm tiếp.
Sau 2 tuần, bạn lọc lấy phần nước giấm, bỏ bã. Lưu ý, nên lọc 2 – 3 lần cho sạch hết cặn bã và bọt trắng trong giấm, chỉ lấy phần nước trong nhất rồi cho vào hũ thủy tinh khác nhỏ hơn (để tiện sử dụng), đậy kín rồi bảo quản thêm 2 tuần nữa là có thể đem ra sử dụng.
Yêu cầu thành phẩm giấm táo
Giấm táo có màu hơi vàng và trong, không cặn bã và không có bọt.
Giấm táo có vị chua hơi ngọt, mùi rất thơm và hấp dẫn.
Lưu ý
Giấm táo được ngâm từ giấm gạo sẽ có tác dụng giảm béo hiệu quả cho các chị em phụ nữ. Thế nhưng nếu bạn dùng giấm táo để làm đẹp (đắp mặt nạ, dưỡng ngoài da) thì có thể thay thế giấm gạo bằng nước sôi và cho ít đường hoặc không đường. Nếu làm giấm táo với nước sôi, giấm sẽ có mùi thơm và chua nhưng không ngọt.
Cách làm giấm táo mèo
Táo mèo là loại táo có màu xanh, vị đắng chát, rất phổ biến ở các tỉnh Bắc Bộ (Hà Giang, Yên Bái). Táo mèo không phải là loại trái cây hấp dẫn, nó được dùng để ngâm rượu, làm thuốc, ngâm siro và giấm táo. Giấm táo mèo có nhiều công dụng khác nhau: Đối với sức khỏe, giấm táo mèo có tác dụng điều hòa nhịp tim, chữa đầy hơi, chướng bụng, viêm da dị ứng, chữa bỏng và làm giã rượu. Ngoài ra, giấm táo mèo còn có thể dưỡng da, trị mụn và giảm cân hiệu quả.
Theo nhiều người, giấm táo mèo có vị thơm ngon hơn hẳn giấm táo thường, vậy nên nếu có thể, bạn hãy mua táo mèo về làm giấm nhé!
Nguyên liệu làm giấm táo mèo
- Táo mèo tươi: 1kg
- Chuối tây: 1 trái
- Nước đun sôi để nguội: 2,5 – 3 lít. Chú ý là không dùng nước máy, không dùng nước R.O.
- Đường: 300gram
- Hũ thủy tinh lớn có sức chứa khoảng 3 lít
Lưu ý
Táo mèo để làm giấm phải là táo mèo tươi, không dùng táo mèo khô. Chọn những trái táo tươi ngon, màu ngả vàng để táo nhanh lên men và nước giấm có màu đẹp. Táo mèo ngon khi bổ ra sẽ rất thơm. Bạn không nên mua táo chín hoặc còn xanh, nếu mua được táo mèo Yên Bái thì quá tốt vì táo mèo ở đây thơm nhất trong các loại.
Sử dụng chuối tây để giúp giấm nhanh lên men, đồng thời tạo hương thơm đặc trưng của giấm táo.
Các bước làm giấm táo mèo
Bước 1. Sơ chế.
Táo mèo mua về rửa thật sạch, ngâm với nước muối rồi rửa sạch, để ráo.
Dùng dao cắt bỏ hai đầu táo, bạn có thể bổ đôi hoặc thái miếng mỏng, nghiền để táo nhanh lên men. Lưu ý, bạn bổ táo sao cho phần hạt cũng bị bổ đôi, giữ lại hạt táo vì khi hòa tan với nước, phần hạt này sẽ giúp giấm táo thơm ngon hơn.
Bước 2. Ngâm táo vào hũ thủy tinh.
Bạn đun sôi 2,5 – 3 lít nước + đường, để nguội nhưng còn hơi ấm để táo nhanh lên men. Đổ nước vào bình (lượng nước vừa đủ để còn bỏ táo), cho hết táo đã sơ chế vào ngâm, thêm trái chuối tây vào để giấm nhanh lên men.
Đậy nắp lại nhưng không đậy kín, nếu đậy kín oxy sẽ không vào được và táo không thể lên men.
Đảo đều hàng ngày để đủ oxi lên men.
HOẶC: 1 lít nước ép táo + 100-300 G đường vàng rồi lên men. Cách này cho nước táo có công dựng rất cao vì là nước táo nguyên chất. Tuy nhiên cần nắm vững kĩ năng lên men nếu gặp bất thường phải có khả năng nhận biết.
Bước 3: Ngâm giấm.
Đem hũ táo cất vào nơi khô thoáng và sạch sẽ, ngâm khoảng 3 – 4 tuần là có thể lấy ra dùng được. Trong quá trình ngâm bạn sẽ thấy váng màu trắng nổi lên, chỉ cần hớt bỏ đi là được.
Bạn chọn mua loại táo giòn ngọt, nhiều nước, táo này khi làm giấm sẽ ngon hơn so với loại táo to, xốp. Mua táo tươi, vỏ ngoài nhẵn bóng, cầm lên thấy chắc tay và nặng, không nên chọn những trái có dấu hiệu hư hỏng hoặc bị héo.
Yêu cầu thành phẩm giấm táo mèo
- Giấm táo mèo có màu hơi ngả vàng, trong.
- Giấm táo có vị hơi chua, mùi thơm nức mũi, hơn hẳn táo thường.
Lưu ý
Bạn có thể dùng giấm gạo để ngâm táo thay cho nước sôi để nguội, như vậy táo sẽ nhanh lên men hơn và vị giấm khác một chút.
Táo mèo bạn có thể bổ đôi hoặc thái lát mỏng, nghiền, trộn với chút đường rồi cho vào ngâm giấm.
Một cách làm nước táo lên men
Cách 1: 1kg táo thì đập dập. Sau đó lấy 3lit nước + 300gr đường hòa tan. Trộn tất cả vào nhau để lên men tự nhiên trong bình đậy nắp vải. Sau khi thấy hỗn hợp sủi mạnh và yên ắng là lên men hoàn thiện giai đoạn 1.
Lưu ý cần khuấy đảo hằng ngày. Lúc này đã có thể chắt ra ăn uống. Tuy nhiên để trên 3 tháng công dụng sẽ cao hơn.
Lưu ý nước không phải nước máy, không phải nước R.O, nên nước giếng trong, nước suối sạch không vôi. Nếu dùng nước máy thì cần đun sôi sau đó để nguội mới dùng.
Cách 2: làm từ nước táo nguyên chất bằng việc ép táo ra rồi mới lên men như trên. Tỷ lệ 1 lít nước ép táo với 100gr tới 300gr đường vàng và chờ lên men. Cách này cho nước táo có công dụng rất cao, hơn cách 1 nhiều, tuy nhiên cần nắm vững kĩ năng lên men nếu gặp bất thường phải có khả năng nhận biết.
Lưu ý khi dùng giấm táo
Vị chua của giấm táo bắt nguồn từ nồng độ axit đậm đặc có trong loại nước này, vì vậy khi dùng bạn nên pha loãng để tránh axit làm tổn thương thực quản và dạ dày. Đặc biệt những người bị viêm loét dạ dày - thực quản tốt nhất không nên sử dụng giấm táo.
Cũng bởi vì chứa nhiều axit nên giấm táo có thể làm hỏng men răng. Do đó mặc dù đã pha loãng giấm táo khi sử dụng thì ngay sau đó bạn cũng hãy súc miệng lại với nước trắng.
Nếu bạn đang dùng thuốc để điều trị bệnh cao huyết áp hoặc bệnh lý tim mạch thì không nên dùng giấm táo vì có thể xảy ra tương tác bất lợi giữa thuốc và loại giấm này, cụ thể là làm giảm nồng độ kali trong máu.
Do giấm táo có khả năng làm chậm lại quá trình thức ăn rời khỏi dạ dày, dẫn tới chậm hấp thu các chất dinh dưỡng vào máu nên nếu lạm dụng giấm táo để giảm cân có thể gây nên tác dụng phụ nguy hiểm là chứng liệt dạ dày (gastroparesis).
Nếu đang bị tiểu đường và có dùng thuốc điều trị, bạn không nên dùng thêm giấm táo vì sẽ gây hạ đường huyết xuống mức quá thấp. Khi đó người bệnh có thể gặp phải những triệu chứng như lú lẫn, chóng mặt, không tỉnh táo, cơ thể suy nhược, dần dần dẫn đến bất tỉnh hoặc co giật nếu không được xử trí kịp thời.